Trải qua thời gian dài lịch sử hình thành và phát triển, người dân Hoà bình ngày càng biết cách sống cùng thiên nhiên, tận dụng tiềm năng của nó phục vụ đời sống con người. Họ phát hiện ngày càng nhiều về nguồn thức ăn có sẵn trong thiên nhiên và tìm cách chế biến hợp khẩu vị, bồi dưỡng và có món ăn còn có tác dụng ngăn ngừa, chữa bệnh. Hơn thế nữa, các dân tộc cũng đã hình thành được tập quán, phong tục ăn uống mang bản sắc riêng.
Cơm Lam – đặc sản núi rừng Hòa Bình
Khi về Hòa Bình, về với miền phong thuỷ hữu tình này thực khách có thể được biết tới một lối sống độc đáo của người Mường và cũng được hoà mình vào nền văn hoá ẩm thực vô cùng phong phú của con người nơi đây. Những sản vật của núi rừng luôn làm hài lòng những vị khách khó tính nhất, những món ăn rất dân dã thôn quê nhưng để lại những ấn tượng rất khó quên cho những ai đã từng thưởng thức như món gà đồi nướng, cá sông, măng chua, rượu cần… nhưng thế vẫn chưa đủ, khi về Hoà Bình thì phải được nếm hương vị của cơm lam thì mới có cảm nhận được hương vị của miền sơn cước này.
Cơm lam là một món ăn nổi tiếng ở Hòa Bình |
Không biết món cơm độc đáo này ra đời từ bao giờ, nhưng chỉ biết rằng người dân miền núi thường phải đi rừng rất vất vả, nhọc nhằn có khi đi từ lúc sáng sớm tinh mơ cho tới lúc tối mịt hoặc thậm chí phải ngủ lại trong rừng. Nên họ mang theo một chút gạo để khi đói sẽ chặt lấy ống tre, ống nứa bên đường, bỏ chút gạo và chút nước suối để nướng những ống cơm ăn qua bữa, từ những thói quen từ ngàn xưa để lại, một thói quen rất bình dân, dễ làm thế mà không ngờ nay đã được tôn lên thành một món ăn đặc sản của núi rừng – món cơm lam. Món cơm lam có rất ở nhiều nơi từ người Tày, nguời Thái, người Nùng, người Mường… đều có loại cơm này. Tuy nhiên, Hoà Bình là nổi tiếng hơn cả vì nơi đây có loại gạo nương thơm lại dẻo nổi tiếng
Ngày nay, cách làm cơm lam đã có đôi chút khác so với trước, con người không làm cơm lam để “cho qua bữa” nữa mà cơm lam đã trở thành một sản phẩm du lịch để người ta ăn “chơi” . Tuy nhiên, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra giá trị truyền thống của món ăn độc đáo này, nó vẫn mang đầy đủ dáng dấp của một nền văn hoá bản địa. Để thêm phần phong phú thì cơm lam có thể ăn chung cùng với thịt gà, thịt nước, măng chua…nhưng ngon nhất vẫn là cơm lam chấm muối vừng . Ống cơm lam của người Hoà Bình thường nhỏ hơn và có mùi vị khác với Cơm Lam của các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn…Tuy cơm lam Hoà Bình không có hạt Lạc, hạt đậu trong đó nhưng đựoc thay bằng mùi thơm đặc trưng của dừa và nước cốt dừa, mùi của mía, của lá rừng Hoà Bình.
Đã bao đời nay, cơm lam hiện hữu trong đời sống người Mường và cũng chẳng ai biết rằng từ ngàn đời xưa ai là người đã nghĩ ra việc dùng ống nứa thay cho cái nồi, cái niêu… chỉ là một món ăn của núi rừng, cũng chỉ là một thứ đặc sản khi về xuôi những người khách hay mua làm quà và cũng chỉ là một phần của văn hoá ẩm thực của người Mường mà sao khiến những con người đã từng đến Hoà Bình và trót yêu mảnh đất này khó quên đến thế.
Lợn cỏ thui luộc
Lợn được nuôi thả rông cho ăn rau rừng và uống nước suối để thịt có độ săn chắc và thơm ngon. Khi muốn giết mổ, dùng rơm thui vàng, thui đến đâu cạo lông đến đó. Để giữ được độ ngọt của thịt phải rửa sạch con lợn trước khi lấy phần nội tạng, sau đó, phần thịt không rửa lại với nước, mà chỉ lấy lạt giang buộc treo lên cho ráo. Thịt lợn làm như vậy sẽ để được lâu, không bị ôi thiu.
Mổ lợn sau khi thui |
Khi muốn ăn, thịt được pha ra cho vào nồi luộc trên bếp củi ở nhiệt độ vừa phải. Khi thịt vừa chín tới đem thái mỏng bày lên lá chuối rừng tươi xanh. Khi ăn chấm với muối rang và hạt dổi nướng giã nhỏ. Món ăn sẽ giữ được độ ngọt của thịt, giòn của mỡ và bì hòa với mùi thơm của lá chuối, hạt dổi, vị đậm đà của muối rang. Thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Cá nướng sông Đà
Cá được đánh bắt từ sông Đà, mang về đem nướng trên than hồng. Trước khi nướng, cá được xiên các que tre nhỏ từ miệng xuống tận đuôi, rồi dùng kẹp tre xanh kẹp vào để cho cá khỏi rơi, gãy. Cá nướng được đem rắc muối gói lá chuối, đồ lên rồi mới ăn. Sự kết hợp các hương vị của tre tươi, lá chuối, vị đậm đà của muối hòa quyện vào nhau làm cho món ăn thực sự hấp dẫn. Du khách sẽ khó mà quên được hương vị ẩm thực Tây Bắc này khi thưởng thức cùng với cơm lam
Măng đắng nướng
Muốn có măng đắng ngon phải chọn những mầm măng sặt mới nhú, lấy củi nướng cho đến khi măng cháy xém, quắt lại, bóc dần từng bẹ chấm vào gói “chẩm chéo” (gồm muối, ớt, lá gừng, mắc khén, lá tỏi và củ tỏi giã nhỏ). Khi ăn ta sẽ cảm nhận được vị đắng ngọt của măng, vị đậm đà của muối, cay nồng của ớt, cay ấm của lá gừng, cay tê của mắc khén, cay rát của tỏi cùng hương vị đặc trưng của nước măng chua và cây măng nướng.
Măng chua nấu thịt gà
Măng chua nấu thịt gà (Ảnh – Mai Thanh Hải) |
Ở Hòa Bình, gà Lạc Sơn được coi là ngon nhất. Gà Lạc Sơn sống trên núi đá vôi, uống nước sông Bưởi nên thịt dai, thơm và lạ. Đây cũng là nguyên liệu lý tưởng để làm món đặc sản măng chua nấu thịt gà – món ngon Hòa Bình không thể bỏ qua.
Để có món này đúng điệu, người đầu bếp sẽ chọn gà nhỡ, sơ chế, bỏ lòng mề rồi chặt ra từng miếng nhỏ như bình thường. Tiếp đó, mới đem ướp cùng măng chua và các loại gia vị khác. Chỉ nửa tiếng là gà ngấm. Khi ấy đem đi nấu bếp củi, lửa đều, không quá to chừng 1 – 2 tiếng. Đặc biệt, khi gà và măng nhừ, người ta còn cho thêm hạt dổi nướng giã nhỏ vào chung.
Chả cuốn lá bưởi
Thịt sau khi tẩm ướp sẽ được cuốn với lá bưởi rồi dùng que tre xiên lại |
Có lẽ chỉ ở Hòa Bình mới có món này. Thịt lợn ba chỉ sau khi sơ chế không băm nhỏ như các loại chả khác, và cũng không ướp quá nhiều loại gia vị. Người ta chỉ thái con chì vừa ăn rồi bỏ chút mắm, hành vào, sau đó cuốn lá bưởi ở ngoài và cho vào kẹp, nướng trên than hồng.
Nướng trên bếp than hồng |
Người ăn còn ngửi thấy rõ mùi thơm của thịt quyện với dầu từ lá bưởi. Do được nướng nên thịt không ngấy nhiều, ngược lại, còn săn và đậm ngọt. Ngoài ra, lá bưởi cháy cháy, giòn giòn cũng tạo thêm vị cho món chả này. Nuốt miếng chả xong còn thấy tê tê đầu lưỡi, không hẳn là cay, không gây khó chịu mà ngược lại, khó quên vô cùng.
Thịt lợn muối chua
Dường như thịt lợn ở Hòa Bình luôn có cách chế biến độc đáo. Cũng vẫn là lợn, nhưng thịt lợn muối chua lại cho ta cảm giác thưởng thức cả cây cỏ và vị rừng do cách làm khá độc đáo.
Món thịt lợn muối chua được làm rất kỳ công và kết hợp với rất nhiều loại lá rừng, tất cả đều là những sản vật sẵn có dễ tìm và mỗi thứ lá được xem là bài thuốc quý rất lợi cho cơ thể như lá quế, lá mít, lá trầu không…Ấn tượng ban đầu khi khách tới nhà được người Mường bê ra một mâm thịt lợn muối chua với một rổ lá, khi ăn phải dùng tay cuộn lá với thịt, nhai chậm rãi rất bùi, thơm ngọt, ăn rất lạ miệng.
Để có được thịt lợn muối chua ngon phải chọn được những con lợn choai, thả dông dài ngày như thế thịt sẽ chắc, muối chua sẽ không bị ướt, ăn sẽ ngọt thịt hơn. Nhưng cầu kỳ hơn cả là chế ra được các nguyên liệu để làm men muối thịt. Thịt lợn được thái miếng ướp với nhiều muối và giềng khô giã nhỏ, rồi trộn với rượu nếp cái và men lá rừng. Phải trộn đều tay, để thịt lợn ngấm được tất cả các gia vị tẩm ướp.
Gạo đem rang khô, nẩy tanh tách rồi giã nhỏ thành bột tấm thơm phức. Người ta đem ủ thịt vào một cái bồ, dưới bồ lót lá chuối, rải lớp gạo rang giã dập trộn muối, sau đó xếp cứ một lớp thịt ướp nguyên liệu ở trên, một lớp gạo rang cho đến khi đầy bồ rồi nén lại đem gác lên bếp củi đun. Chỉ một đến hai tuần, các men lá, men rượi và giềng sẽ ngấm đậm đà vào từng thớ thịt lợn, chua chua mặn mặn.
Gạo đem rang khô, nẩy tanh tách rồi giã nhỏ thành bột tấm thơm phức. Người ta đem ủ thịt vào một cái bồ, dưới bồ lót lá chuối, rải lớp gạo rang giã dập trộn muối, sau đó xếp cứ một lớp thịt ướp nguyên liệu ở trên, một lớp gạo rang cho đến khi đầy bồ rồi nén lại đem gác lên bếp củi đun. Chỉ một đến hai tuần, các men lá, men rượi và giềng sẽ ngấm đậm đà vào từng thớ thịt lợn, chua chua mặn mặn.
Thịt lợn muối chua đủ độ phải giữ được màu sắc tươi của thịt, màu vàng ươm của thính gạo rang ôm chặt lấy từng miếng thịt trông rất hấp dẫn. Miếng thịt muối chua phải có vị bùi của thịt, ngậy của bì, chua của men rừng, mặn của muối, thơm của thính gạo. Cuốn một miếng thịt muối chua vào trong một lớp lá rừng có vị bùi bùi, cay của giềng, thơm của húng quế, chát xít của lá mít và trầu không, vị chua ngọt hòa lẫn mặn ăn rất lạ miệng. Nhiều người lần đầu ăn thấy gai gai vì lạ vị của lá rừng, nhưng càng ăn đến miếng thứ hai, thứ ba lại muốn cuốn ăn thêm miếng nữa.
Thịt trâu nấu lá lồm
Món ăn này của người Mường ở Hòa Bình rất phổ biến vì được ưa thích. Thịt trâu đem thui, cạo sạch sẽ sau đó, đem bung cho mềm. Khi thịt đã chín tương đối thì thái miếng nhỏ hơn, cho vào nồi đất hầm kĩ. Lá lồm (một loại lá chua) giã nhỏ và tấm gạo cho vào nồi hầm chung với thịt trâu. Cứ giữ lửa cho đến khi gạo tấm nở và sánh lại là được. Thịt trâu hầm xong nhừ kĩ, ngấm vị chua lá lồm và hương gạo, khá dễ ăn.
Canh Loóng
Là món canh được nấu từ nước luộc thịt với nõn cây chuối rừng. Cây chuối rừng đốn về bóc vỏ ngoài lấy nõn thái mỏng nhỏ bóp với muối để xả chất chát sau đó cho vào nước luộc thịt đun trên bếp củi khoảng 50 – 60 phút. Rắc vào canh hạt dổi nướng giã nhỏ và lá lốt rừng thái nhuyễn trước khi ăn.
Chả rau đáu
Do nhu cầu muốn có một món ăn vừa có vị thanh mát, vừa bổ dưỡng cho sức khỏe, người Mường đã sáng tạo ra món chả rau đáu. Sở dĩ nó trở thành món ăn quý là do lá rau đáu là một vị thuốc bổ rất khó trồng, mà chỉ mọc tự nhiên ở các khe suối vào thời tiết lạnh và ẩm ướt như mùa Xuân hay mùa Đông.
Điểm đặc biệt của chả rau đáu so với những món ăn khác đó là sự cẩn trọng từ khâu tìm kiếm nguyên liệu đến khâu chế biến. Để có được những lá rau đáu xanh tươi và đúng hương vị, người làm phải mất cả ngày trời tìm kiếm bên những khe suối trên rừng. Chính vì thế mà khách đến chơi nhà người Mường muốn thưởng thức món ăn này thì phải báo trước vài ngày để chủ nhà chuẩn bị.
Nguồn: cungphuot.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét